NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH THỰC TẬP.

  1. Chuẩn bị trang thiết bị phục vụ cho công việc

Bạn có thể sẽ được yêu cầu sử dụng laptop cá nhân của mình để làm việc trong thời gian thực tập. Vì vậy hãy chuẩn bị trước để không gặp bất cứ trở ngại nào. Bạn nên làm rõ với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn nếu bạn không thể chuẩn bị laptop nhá, biết đâu lại được công ty hỗ trợ cũng nên.

Ngoài ra có những công việc đòi hỏi các công cụ hay thiết bị cần thiết khác mà bạn cũng nên tìm hiểu từ trước. Hãy hỏi rõ trong buổi phỏng vấn xem liệu công ty có cung cấp cho bạn hay không nhá!

  1. Tạo lập và duy trì mối quan hệ với người hướng dẫn

Người hướng dẫn bạn trong quá trình thực tập có thể là quản lý hoặc đồng nghiệp của bạn. Bất kể là ai, bạn cũng nên tạo mối quan hệ tốt với họ. Điều này giúp bạn dễ dàng học hỏi được nhiều từ sự dẫn dắt của họ và thoải mái vượt qua kỳ thực tập. Bên cạnh đó, duy trì tốt không những một, mà mở rộng đến các mối quan hệ khác nữa trong công ty, cũng sẽ hỗ trợ cho bạn ít nhiều trong tương lai đấy.

  1. Đừng ngại đặt câu hỏi

Bài học kinh nghiệm trong quá trình thực tập dành cho bạn là “hãy đặt câu khỏi khi cần”. Thực tập cũng là thời gian để bạn học tập. Tự học hay tự nghiên cứu là cần thiết. Tuy nhiên, nếu không rõ về một vấn đề nào đó, hãy hỏi người hướng dẫn hay bất cứ ai có thể trả lời bạn. Không những giải quyết được các vấn đề, bạn cũng có thể học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng trong quá trình thực tập đấy.

Để tránh đưa ra những câu hỏi dư thừa, hãy tự mình tìm hiểu trước để quyết định đâu là điều bạn cần làm rõ. Đặt câu hỏi đúng nơi đúng lúc cũng thể hiện bạn là người cầu tiến và có tinh thần học hỏi cao.

  1. Chủ động tìm hiểu công việc

Đừng đợi đến lúc được giao việc mới bắt tay vào làm. Trong quá trình thực tập, bạn sẽ có rất nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, công việc. Hãy tận dụng khoảng thời gian đó để tìm hiểu xem đội nhóm hay phòng ban của bạn đang làm những công việc gì, và bạn giúp gì được cho họ.

Khi được giao việc, hãy chủ động nghiên cứu và tìm ra cách giải quyết hiệu quả, nhanh chóng. Bạn sẽ được hướng dẫn phải làm gì. Quản lý sẽ đánh giá cao việc bạn chủ động thay vì chờ người khác “cầm tay chỉ việc”.

  1. Báo cáo với người hướng dẫn/quản lý

Trong các buổi họp hàng tuần hay mỗi tháng, háy chủ động báo cáo công việc với quản lý của bạn. Hãy trình bày cụ thể bạn làm những gì, tiến độ ra sao, và những khó khăn bạn gặp phải.

Nếu họ quá bận để hỏi han đến bạn, hãy cũng chủ động làm một bản báo cáo và gửi cho họ. Như vậy, họ sẽ dễ dàng nắm bắt được tình hình công việc của bạn và kịp thời đưa ra đánh giá hay bước đi tiếp theo cho bạn.

Điều này cho thấy bạn là người chủ động và có trách nhiệm trong công việc.

  1. Tổng kết kết quả đạt được sau khi thực tập

Cuối mỗi kỳ thực tập, bạn cần viết báo cáo thực tập để nộp lại cho nhà trường. Bên cạnh hãy tự mình đánh giá cả quá trình để xem bạn đã làm được những gì, có đạt được mục tiêu đề ra không.

Trong suốt thời gian thực tập, kết quả mà bạn đạt được là gì, bài học kinh nghiệm rút ra sau khi thực tập có ý nghĩa như thế nào đối với bạn. Nhìn lại cả quá trình, bạn sẽ thấy được điểm manh, yếu, cũng như cách mình làm việc ra sao.

———–
Cám ơn các bạn đã theo dõi những thông tin từ T-Visa, hãy theo dõi fanpage và tham gia group của T-VISA để cập nhật thêm các thông tin về học tập và đời sống tại Đài Loan , cũng như những sự kiện sắp tới nhé!
Fanpage T-VISA: https://www.facebook.com/tvisa.fanpage
Group T-VISA: https://www.facebook.com/groups/tvisagroup